Đại biểu thể hiện tín nhiệm của mình đổi với chức danh HĐND bầu tại kỳ họp thứ Sáu
Tại Điều 3 Nghị quyết số 561/2013/UBTVQH13 quy định:
“Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ tại kỳ họp thường lệ đầu tiên hằng năm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, kể từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ”. Về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức vào kỳ họp thường lệ giữa năm là chưa phù hợp. Thiết nghĩ, nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm. Bởi thực tế qua một năm hoạt động, mỗi cán bộ, công chức sẽ có đánh giá, kiểm điểm về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Kỳ họp cuối năm, HĐND đánh giá tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong năm; đồng thời xem xét, đánh giá kết quả qua một năm hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND. Cuối năm, UBND và các ngành chức năng cũng tổ chức kiểm điểm, đánh giá sự điều hành, chỉ đạo của UBND, kết quả tham mưu, thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn; đồng thời vào thời điểm cuối năm mỗi cán bộ, đảng viên đánh giá, kiểm điểm về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình; tổ chức bình xét, phân loại đảng viên, xét thi đua, khen thưởng đối với cán bộ, đảng viên, đối với cơ quan đơn vị và thi đua giữa các ngành, các đơn vị với nhau…. Trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động của từng cơ quan và mức độ hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, cũng như phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của từng chức danh qua một năm, các đại biểu sẽ căn cứ vào đó để có đánh giá đúng hơn, đầy đủ hơn đối với từng chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn để thể hiện mức độ tín nhiệm của mình một cách công tâm, khách quan và chính xác. Theo quy định thì việc đánh giá kết quả của một năm trước mà đợi đến tháng 7 năm sau (kỳ họp giữa năm thường tổ chức vào tháng 7) thì quá chậm.
Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm được quy định gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực HĐND, Trưởng Ban của HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân. Các đối tượng lấy phiếu tín nhiệm như đã nêu xem ra là phù hợp. Đây là những chức danh chủ chốt của HĐND và UBND, là những người trực tiếp điều hành và thực hiện các hoạt động của HĐND và UBND. Nhưng thực tế cho thấy, có nhiều địa phương Trưởng các Ban của HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm, còn Phó Trưởng ban thì hoạt động chuyên trách. Vì vậy, chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với Trưởng ban (kiêm nhiệm) trong trường hợp này dường như chưa hợp lý. Bởi lẽ, ai cũng nhận thấy rằng Trưởng hoặc Phó ban hoạt động chuyên trách là người thường xuyên, trực tiếp điều hành thực hiện công việc của Ban; còn người hoạt động kiêm nhiệm dù có trách nhiệm, tâm huyết đến đâu chăng nữa thì việc thực hiện công việc của Ban cũng chưa nhiều, do đại biểu kiêm nhiêm phải tập trung nhiều thời gian để giải quyết công việc theo chức vụ chính của mình. Ban HĐND hoạt động có hiệu quả hay không chính là nhờ vào khả năng điều hành, thực hiện của người hoạt động chuyên trách. Cho nên việc lấy phiếu tín nhiệm cần quy định thêm đối tượng là “Phó trưởng Ban của HĐND hoạt động chuyên trách” hoặc có thể mở rộng hơn đối với các “Phó trưởng Ban hoạt động kiêm nhiệm” để nâng cao vai trò của những người đảm trách các chức danh này.
Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm
Theo quy định về mức độ tín nhiệm có 3 mức:
“tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và
“tín nhiệm thấp”. Điều đó đã công nhận tất cả các chức danh do HĐND bầu đều không có mức “không tín nhiệm”. Nhưng trên thực tế có thể có chức danh được đánh giá mức độ tín nhiệm ở mức “không tín nhiệm”. Nếu có thêm mức “không tín nhiệm” thì việc đánh giá có thể sẽ chính xác hơn. Từ đó, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm nhận thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Lần đầu lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn mặc dù có những khó khăn, vướng mắc nhưng nhìn chung là đạt kết quả tốt đẹp. Để HĐND thực hiện hình thức giám sát này hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, thiết nghĩ nên xem xét, nghiên cứu thực tế để có kiến nghị sửa đổi, hoàn chỉnh hơn các quy định, để việc đánh giá và thể hiện mức độ tín nhiệm của đại biểu sẽ chính xác hơn. Từ đó, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình, soi rọi vào đó để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Phạm Ngọc